2023 là năm đầu tiên hệ thống giáo dục ở hầu hết các quốc gia chính thức trở lại bình thường một cách trọn vẹn sau 2 năm gián đoạn vì COVID-19. Sự thúc đẩy của đại dịch và công nghệ sẽ giúp tạo ra những biến chuyển lớn.
Dưới đây là năm xu hướng lớn được các chuyên gia quốc tế mô tả sẽ tạo được những bước tiến mới cho giáo dục toàn cầu:
1. AI chấm điểm tự động, “bày” lộ trình học tập
Chấm điểm tự động là cách cho điểm bài thi, kiểm tra, bài tập về nhà, tiểu luận của học sinh dựa trên những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ sau dịch COVID-19, rất nhiều trường phổ thông và đại học lớn đang xây dựng hệ thống chấm điểm tự động nhằm tạo sự linh hoạt và hiệu quả khi đánh giá học sinh sinh viên, đồng thời giúp giảm bớt khối lượng công việc thủ công đặt lên giáo viên, giảng viên.
Nghiên cứu từ ĐH Coventry (Anh) cho thấy hiện phần lớn các kỳ thi vẫn được thực hiện theo phương thức truyền thống, phải có các phòng thi, đội ngũ coi thi, chấm bài… Hệ thống này không chỉ tẻ nhạt mà còn có nhiều rủi ro do phải thực hiện nhiều công đoạn bằng tay, dễ có sơ sót hoặc phát sinh tiêu cực.
Đưa công nghệ vào hệ thống chấm điểm tự động được xem là cuộc cách mạng trong quản lý thi cử. Trong năm 2023, dự kiến nhiều đại học lớn sẽ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng các hệ thống riêng. Công nghệ sẽ dần được phát triển theo hướng cá nhân hóa, nghĩa là từ các bài thi của mỗi thí sinh, AI có thể phân tích những lỗi sai và điểm thiếu sót của người học để từ đó đề xuất lộ trình cải thiện cho từng học sinh sinh viên.
2. Học tập “vi mô”
Đây là xu hướng mà người học sẽ tiếp cận những bài học với thời gian cực ngắn và dung lượng cực nhỏ. Ví dụ, bạn có thể tận dụng một vài phút trên chuyến đi taxi hay khi đứng xếp hàng là đã có thể có được một bài học về ngữ pháp hay từ vựng tiếng Anh về một chủ đề cụ thể.
Hiện nhiều công ty công nghệ giáo dục lớn trên thế giới như Coursera, Udemy hay Duolingo đánh mạnh vào hình thức học tập “vi mô”. Mỗi bài học được chuyên gia thiết kế ngắn gọn chỉ trong khoảng 5 – 20 phút, tập trung vào một điểm kiến thức nhỏ.
Người học có thể tiếp cận nội dung họ muốn học, tránh lãng phí thời gian. Chẳng hạn, nếu bạn muốn tìm hiểu thật nhanh những từ vựng tiếng Anh dùng để giao tiếp khi đi máy bay thì bạn bật ứng dụng và học ngay trong 10 phút đúng phần ấy.
Nghiên cứu của ĐH Kỹ thuật Dresden (Đức) cho thấy xu hướng này đang lan rộng do thời gian chú ý và sự kiên nhẫn cho học tập của nhiều người đang bị rút ngắn.
Tích góp nhiều bài học “vi mô”, sau một khoảng thời gian dài, kiến thức bạn thu được không hề… “vi mô”. Thử hình dung, nếu tận dụng được 15 phút trong giờ nghỉ trưa với các bài học “siêu nhỏ” này thì 1 năm sau bạn chắc hẳn sẽ thấy tiến bộ đầy bất ngờ.
3. “Kỹ năng mềm” thành “kỹ năng quyền lực”
Báo cáo về “Xu hướng tài năng toàn cầu” năm 2019 của LinkedIn cho thấy hơn 90% nhà quản lý tuyển dụng tin rằng các kỹ năng “mềm” – như giải quyết vấn đề, hợp tác và lãnh đạo – cũng quan trọng với lao động như kỹ năng “cứng”.
Dù vậy, những kỹ năng này không phải lúc nào cũng được ưu tiên trong dạy và học, ngay cả với chính học sinh sinh viên. Chỉ 3% học sinh trung học trong một khảo sát ở Mỹ tin rằng “lãnh đạo” là một kỹ năng cần thiết. Đánh giá thấp các kỹ năng này ở cả người học lẫn người dạy đang là một vấn đề nổi cộm.
Để thu hẹp khoảng cách, các trường phổ thông và đại học ở các quốc gia phát triển sẽ tăng cường tích hợp những kỹ năng vào trong chương trình giảng dạy. Tỉ trọng giáo dục kỹ năng so với kiến thức sẽ được gia tăng đáng kể.
Ở Vương quốc Anh, nhiều trường đã thống nhất sẽ xác định lại tên gọi các “kỹ năng mềm” – vốn gợi ra tính chất có cũng được, không có cũng không sao – chuyển thành những “kỹ năng quyền lực” nhằm giúp chúng có một giá trị xứng đáng hơn.
Một trong những cách mà các trường đại học lớn trên thế giới đang đẩy mạnh sau đại dịch là sử dụng phương pháp học tập dựa trên dự án – mô hình khuyến khích học sinh giải quyết vấn đề thông qua các hoạt động thực hành.
Trong năm 2023, các dự án sẽ được mở rộng về quy mô, tính chất và độ phức tạp, qua đó học sinh sinh viên có thể học tập độc lập hơn và tiến bộ thông qua phương pháp “thử và sai”, đồng thời củng cố các kỹ năng như giao tiếp, ra quyết định, tư duy sáng tạo…
4. “Game hóa” bài học
Dữ liệu của Pew Research cho thấy 97% thanh niên ở Mỹ chơi trò chơi điện tử. Trung bình ở các nước châu Âu ghi nhận hơn 20 giờ chơi game mỗi tuần theo thống kê năm 2020, trở thành một phần trong văn hóa giới trẻ hiện đại.
Những năm gần đây, nhiều đơn vị bắt đầu triển khai những phần mềm, ứng dụng cho phép “game hóa” bài học, tuy nhiên trong năm 2023 dự báo sẽ ghi nhận sự bùng nổ.
Nhiều trường đại học ở Đức sẽ áp dụng những phần mềm trò chơi (game) cho phép sinh viên vừa học vừa thi thố và được xếp hạng.
Các phần mềm được đón nhận khi khuyến khích sinh viên tham gia thêm vào những hoạt động của trường, khám phá việc học bên ngoài lớp và giúp tăng cường tương tác xã hội. Các trường đại học khác cũng đã sử dụng phương pháp “game hóa” để dạy các kiến thức đời sống cho sinh viên của mình.
5. Nhu cầu “thoát khỏi” trường học ngày càng trẻ hóa
TS Emma Humphries – giám đốc học thuật của Tổ chức giáo dục iCivics – cho biết sau dịch COVID-19, ngày càng nhiều có những học sinh chủ động vượt ra khỏi những giới hạn học tập truyền thống.
Học sinh không chỉ thụ động học những gì được giảng dạy trong bốn bức tường nhà trường. Thay vào đó, rất nhiều bạn trẻ tham gia các khóa học ảo, chủ động liên hệ với các cơ sở giáo dục đại học để tham gia các chương trình tọa đàm và workshop.
Xu hướng ghi nhận độ tuổi học sinh có mong muốn tìm tới những trải nghiệm bên ngoài khuôn viên trường ngày trẻ hóa, hiện từ 13 – 15 tuổi.
TS Emma Humphries cho rằng khi học sinh đã có nhu cầu “tự do” khỏi không gian địa lý, các cơ sở giáo dục sẽ cần tạo thêm nhiều hoạt động cho học sinh tham gia các dự án bên ngoài trường học…
Tại Việt Nam: Kỳ vọng xu hướng OMO
Bà Trương Lê Quỳnh Tương – giám đốc ClassIn Đông Nam Á – đánh giá trong năm 2023, xu hướng sử dụng công nghệ ứng dụng trong giáo dục tại Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thử thách.
Trong giai đoạn “hậu COVID-19”, phần nhiều các cơ sở giáo dục ở cả khu vực công lẫn tư chuộng quay trở lại hình thức học trực tiếp “truyền thống”. Sẽ không còn tốc độ tăng trưởng “nóng” của các hình thức học tập mới ứng dụng công nghệ số từ thời COVID-19.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là các hình thức học mới vẫn trụ vững đều chứng tỏ hiệu quả. Một bộ phận không nhỏ học sinh và phụ huynh đã có nhiều thiện cảm với các hình thức giáo dục “phi truyền thống”.
Nhiều bạn trẻ lại thích học online. Không ít thầy cô vẫn sử dụng các công cụ tạo bài giảng điện tử, giao bài tập online. Một số địa phương hay cơ sở giáo dục còn đặt ra tỉ lệ phần trăm các hoạt động học tập ứng dụng công nghệ số trong chương trình.
Theo bà Quỳnh Tương, một xu hướng có thể kỳ vọng tại Việt Nam trong năm 2023 là mô hình OMO – kết hợp song song giữa online và offline. Các học sinh ngồi tại lớp (offline), nhưng giáo viên giảng dạy từ xa (online).
Hoặc một giáo viên có thể dạy online cho học sinh trong nhiều lớp khác nhau. Xu hướng này có thể giải quyết bài toán về phân bổ giáo viên giữa các địa phương, tăng khả năng tiếp cận của học sinh vùng sâu, vùng xa với những thầy cô giỏi ở những đô thị lớn.