4 cách kinh doanh online không cần vốn

Đăng ngày 05/03/2021 lúc: 06:42275 lượt xem

Thương mại điện tử là một lĩnh vực rất sôi động ngày càng thu hút nhiều người muốn gia nhập. Tuy nhiên để có thể kinh doanh online thì bạn phải có vốn để lấy hàng, phân phối sản phẩm…. Vậy nếu bạn không có trong tay tiền vốn thì sao? Đừng lo trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chỉ cho bạn một số cách kinh doanh online mà không cần đến tiền vốn.

1. Làm cộng tác viên bán hàng – hình thức kinh doanh online không cần vốn phổ biến nhất

Làm cộng tác viên bán hàng online là việc đang được nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng chọn để làm thêm trong thời gian rảnh rỗi với lợi thế là không cần bỏ vốn, không phải ôm hàng. Những CTV sẽ bán lại những sản phẩm từ những người nhập sỉ về và nhận tiền hoa hồng. Trong mô hình này, người đứng vai trò CTV sẽ xử lý khâu bán hàng online thay cho người có trong tay nguồn hàng.

Làm cộng tác viên lợi nhất là không cần bỏ vốn hoặc bỏ vốn rất ít. Yêu cầu duy nhất là kỹ năng kích thích người mua. Làm CTV còn giúp người tham gia có thêm kỹ năng như tiếp xúc, trò chuyện, thuyết phục khách hàng, linh động đơn hàng, xử lý sự cố.

Các chủ cửa hàng, nguồn hàng khi hợp tác, thuê các CTV cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà vẫn có thể thu lại lợi nhuận. Thông thường tỷ lệ chiết khấu vào khoảng 5-20% giá trị sản phẩm. Ví dụ, 1 đôi giày đăng bán trên website giá 150.000 đồng, cộng tác viên có thể bán ra 170.000 đồng.

Tuy nhiên, những người CTV tham gia vào mô hình này thường chỉ xuất phát từ mục tiêu kiếm tiền nhỏ lẻ, khó phát triển thành một doanh nghiệp lớn do nhiều yếu tố:

  • Sự phụ thuộc về nguồn hàng: CTV phải nhận nguồn hàng từ người bán sỉ, người bán sỉ lại nhận nguồn hàng từ người sản xuất. Điều này chưa kể mô hình CTV thường bao gồm nhiều cấp trung gian. Do đó làm CTV thường sẽ bị phụ thuộc và bị động về nguồn hàng.
  • Thu nhập tùy thuộc vào chính sách của nhà bán sỉ: Chính sách hoa hồng cũng sẽ cố định trên từng sản phẩm, giá bán sẽ được nhà bán sỉ quy định. Như đã nêu trên, mô hình bán hàng CTV có thể có nhiều cấp độ khác nhau, bạn càng là cấp thấp hơn thì càng khó hơn trong việc thu lại nhiều lợi nhuận.
  • Khó xây dựng thương hiệu riêng: Mô hình này được nhà sản xuất áp dụng để tăng doanh số và phổ biến thương hiệu/sản phẩm của họ. Ngay cả khi bạn bán được rất nhiều hàng, khách hàng cũng chỉ đang tiêu thụ và trung thành với thương hiệu của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, người làm CTV còn thường gặp áp lực về việc cân đối chi phí bán hàng (marketing, vận chuyển,…) với giá bán sản phẩm để không bị vượt mức hoa hồng nhận được.

2. Bán hàng order

Bán hàng order là hình thức bán hàng mà bạn không cần có sẵn hàng trong kho hay cửa hàng mà chỉ khi nào khách đặt hàng sản phẩm bạn mới đi nhập về, bán cho họ và hưởng số tiền chênh lệch. Gom khách hàng trước mua hàng sau là đặc điểm nổi bật nhất của hình thức bán hàng này. Khi nhận đủ số lượng đơn hàng và có thể thu trước tiền đặt cọc, bạn sẽ bắt đầu đặt hàng từ nhà cung ứng.

Ưu điểm:

  • Không sợ phải “ôm hàng”, tồn hàng: Với hình thức này bạn sẽ trở thành người trung gian phân phối lại sản phẩm và hưởng lợi nhuận chênh lệch. Chỉ khi có người mua hàng bạn mới đặt hàng về nên không lo tình trạng “ế hàng”.
  • Không cần xây dựng cửa hàng thực ngoài đời, không cần chuẩn bị kho trữ hàng do bạn không cần nhập về và quản lý sản phẩm trong thời gian dài. Sau khi kinh doanh ổn định bạn có thể bắt đầu phát triển “cửa hàng ảo” của mình bằng việc xây dựng website bán hàng riêng. Việc này tiết kiệm hơn rất nhiều so với xây dựng cửa hàng truyền thống.
  • Không mất chi phí lấy hàng: Hiện nay rất nhiều người kinh doanh theo hình thức này lấy nguồn hàng từ nước ngoài, từ các website lớn như Taobao, Alibaba,… Họ đã có trong tay nguồn vận chuyển hàng riêng, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là đặt mua đồ và đợi hàng ship về tay.

Nhược điểm

  • Tình trạng thường gặp nhất là do xu hướng gom đơn rồi mới đặt mua mà nhiều khi khách hàng đã đặt mua nhưng bên cung cấp đã hết sản phẩm đó. Điều này chắc chắn sẽ gây khó chịu cho người mua hàng.
  • Thường người bán hàng order sẽ nhập hàng từ nước ngoài. Kéo theo đó là khó khăn hơn trong việc xử lý các tình huống như hàng kém chất lượng, phí vận chuyển cao, quãng đường vận chuyển xa khiến sản phẩm bị móp méo, hỏng hóc.

3. Affiliate Marketing

Affiliate Marketing (Tiếp thị liên kết) là hình thức quảng bá sản phẩm hay dịch vụ của nhà cung cấp thông qua các kênh quảng bá trực tuyến để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Bạn sẽ nhận được hoa hồng khi có khách hàng mua sản phẩm hay tham gia dịch vụ của nhà cung cấp qua link liên kết.

Khác với mô hình cộng tác viên, ở mô hình Affiliate, người kinh doanh online chỉ đưa thông tin bán hàng lên các kênh online khác nhau để kéo lượng truy cập về các trang sản phẩm và để làm sao cho có càng nhiều người thực hiện các tác vụ (mua hàng, đăng ký sử dụng dịch vụ,…) trên website bán hàng càng tốt. Bạn sẽ được nhận tiền hoa hồng tương ứng sau khi các tác vụ này được hoàn tất.

Lợi thế của mô hình này là không mất rủi ro về hàng hóa hay thậm chí phải thực sự bán sản phẩm, nhưng khó khăn lại nằm ở khả năng xây dựng được chuỗi traffic để tối ưu được đúng nhóm đối tượng mua hàng và tăng tỉ lệ chuyển đổi. Do đó bạn cần có sự hiểu biết về thiết kế website, SEO, chạy quảng cáo,…

4. Dropshipping

Dropshipping là hình thức “bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển”. Bạn chuyển các đơn đặt hàng và chi tiết lô hàng của khách hàng tới một nhà sản xuất hoặc một nhà cung cấp khác. Những người này sau đó sẽ giao hàng trực tiếp tới khách hàng. Với phương thức kinh doanh này, bạn không cần kho hàng và hàng hóa trong kho cũng như không cần quan tâm về khâu vận chuyển hàng hóa.

Trong mô hình này, bạn đóng vai trò như một người trung gian cho việc mua bán giữa khách lẻ và nhà cung cấp. Bạn sẽ mua sản phẩm với giá thấp (từ nhà cung cấp) và bán với giá cao hơn (cho người mua lẻ) để tạo lợi nhuận tốt. Khách hàng sẽ lựa chọn bạn nếu chiến lược marketing, chăm sóc khách hàng và dịch vụ bán hàng đủ thu hút và hấp dẫn. Tuy nhiên, quá trình xử lý đơn hàng và thỏa thuận với nhà cung cấp không công khai với người mua, chỉ người bán và nhà cung cấp thỏa thuận riêng. Do đó, bạn có thể phát triển thương hiệu riêng và xây dựng nền tảng khách hàng trung thành.

Ưu điểm:

  • Chi phí đầu tư thấp: Như đã nêu trên, bạn không cần đầu tư quá nhiều vốn cho việc kinh doanh online, chi phí chủ yếu là xây dựng cửa hàng online và quảng cáo để thu hút người tiêu dùng.
  • Rủi ro thấp: Nếu cửa hàng của bạn không bán được sản phẩm, bạn cũng sẽ không mất các chi phí kiểm soát tồn kho. Nếu bạn muốn ngừng bán sản phẩm, bạn cũng không bị lỗ vốn do sản phẩm còn tồn kho quá nhiều.
  • Linh hoạt địa điểm làm việc: Bạn chỉ cần một chiếc máy tính được kết nối Internet là có thể làm việc, miễn là bạn có thể giao tiếp được với khách hàng và nhà cung cấp của mình một cách dễ dàng.

Nhược điểm

  • Bạn phải chịu trách nhiệm với khách hàng ngay cả khi lỗi sai thuộc về nhà cung cấp. Đây là lí do vì sao bạn phải tìm kiếm nhà cung cấp uy tín.
  • Bạn không thể kiểm soát hết mọi thứ: Bạn không liên tục kiểm soát được chất lượng sản phẩm, quản lý được việc chăm sóc khách hàng trong khi mua như quy cách gói hàng, sản phẩm tặng kèm, quà tặng miễn phí, các ghi chú nhỏ để xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Đây là những yếu tố quan trọng để xây dựng lòng trung thành và sự hài lòng của khách hàng với cửa hàng. Tuy nhiên, dropshipping không cho phép bạn thực hiện các công việc này và nhà cung cấp cũng không có trách nhiệm thực hiện điều này.

Nếu bạn quan tâm về Bán hàng Online hoặc Xây dựng đội nhóm Kinh doanh thực chiến, hãy gọi ngay cho chúng tôi: 0961.88.55.99 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *