Đó là một người đàn ông lịch sự, thông minh, sâu sắc và giọng nói vô cùng ấm áp mà chúng tôi có dịp được gặp ngay sau trận mưa lớn lịch sử tại Hà Nội vừa qua. Lần đầu gặp ông, tôi có cảm giác hơi hụt hẫng, bởi trước đó tôi được nghe rất nhiều lời ca ngợi, rằng ông là một “Chuyên gia marketing hàng đầu Việt Nam”, là một “Nhà Đào tạo có sức ảnh hưởng bậc nhất Việt Nam hiện nay”, là “Phù thuỷ sân khấu”, là “Người dám cho đi”…. vv. Nhưng đập vào mắt tôi lại là một người đàn ông gầy gò, nhỏ bé. Thế nhưng, càng được nói chuyện với ông, nghe ông chia sẻ, tôi càng nhận ra rằng, những “lời đồn” kia thực sự rất đúng, thậm chí ông còn tuyệt vời hơn như thế. Bởi ý chí vượt khó vươn lên, bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ, bởi những giá trị cao cả mà ông đã, đang trao cho thị trường, cho đất nước, quê hương, bởi sứ mệnh mà ông đang gánh vác trên vai và bởi tất cả những gì ông đang cống hiến. Ông là Trần Văn Toản, nhiều người yêu quý gọi ông với cái tên Thầy Trần Toản
Trần Toản thuộc thế hệ 8x, ông sinh ra tại một vùng quê nghèo khó ở Trung du Miền Núi Phía Bắc, xuất thân trong một gia đình vô cùng khó khăn nên ngay từ khi còn nhỏ, ông đã phải theo gia đình bỏ lại quê nghèo Bắc Giang để vào vùng Kinh tế mới Daklak lập nghiệp. Ánh mắt ông chợt trùng xuống, giọng nói trầm lại khi kể về giây phút ông cùng bố mẹ với các em ngồi trên chuyến xe di cư rời khỏi quê hương, ông cứ thế nhìn theo đến khi luỹ tre làng xa dần, xa dần… Một chuyến đi không hứa hẹn ngày trở lại, một chuyến đi mang theo cả bao ký ức tuổi thơ, một chuyến đi chưa biết tương lai sẽ ra sao… Vào vùng kinh tế mới, cũng như bao gia đình khác, gia đình ông bắt đầu phát rẫy, mở đất, trồng cây. Thiếu kinh nghiệm, gia đình ông thất bại liên tiếp, thay đổi loại cây trồng liên tiếp, bố mẹ ông lại sinh liên tiếp thêm mấy đứa con khiến nghèo khó càng thêm nghèo khó, ông phải cùng bố mẹ đi đào củ rừng, hái rau rừng qua ngày… Cuộc sống cứ thế leo lắt, leo lắt chầm chậm trôi, không nhìn thấy ngày mai tươi sáng.
Tuổi thơ trong ông là những ngày đi làm vất vả cùng bố mẹ để nuôi gia đình, nuôi 3 đứa em trai, là những ngày băng rừng, lội suối đi bộ vài cây số để được đi học. Nhưng cuộc sống vốn đã vất vả, công cuộc đi tìm con chữ còn vất vả hơn nhiều, đường xa khó đi, chưa kể những hôm mưa gió, rồi sự khó khăn lo cơm từng bữa thì làm gì có tiền mà đi học… Khát khao lắm, mong muốn lắm nhưng có những lúc việc học của ông cũng bị gián đoạn. Thế rồi, ông may mắn được người bác cả đón trở lại ra Bắc, bác là giáo viên, lại hiểu được khát khao đi học của cháu mình nên cố gắng tạo điều kiện cho ông được tiếp tục đến trường. Từ đây, đôi vai gầy lại bắt đầu tự gánh vác. Ông xin đi làm thuê để tự kiếm tiền ăn học, bởi bác tốt lắm, thương ông lắm, nhưng bác cũng chỉ là ông giáo nghèo nơi vùng quê khắc khổ. Có lẽ chính vì thế, ông càng quyết tâm vươn lên, ông không quản ngại vất vả để kiếm tiền. Những ngày đó, ông đi trông quán net thuê (Quán kinh doanh internet thời đó – PV), mỗi ngày ông cũng kiếm được vài chục nghìn. Vẫn có những lúc chẳng đủ tiền đóng học, bị thầy cô nhắc nhở trước lớp, nhưng không vì thế mà ông từ bỏ đam mê học tập.
Hết cấp 3, ông không chọn thi Đại học như bao bạn bè, mà ông chọn đi học nghề. Bươn chải với những công việc lái xe, công nhân, thợ phụ trong các công xưởng…, hơn ai hết, ông thấm thía cuộc sống vất vả, khổ cực và càng quyết tâm vươn lên. Nhân duyên đến, ông có cơ hội được tiếp cận với công việc liên quan đến công nghệ, đến internet, một thế mạnh mà ông có được trong thời gian đi làm thuê suốt mấy năm trung học. Số phận bắt đầu mỉm cười và trả công xứng đáng cho những nỗ lực của ông. Kiếm được chút vốn nho nhỏ, ông cùng bạn bè đầu tư mở thương hiệu Táo Việt, rồi sau này là thương hiệu riêng của ông – OneStore (Thương hiệu kinh doanh về Iphone – Một sản phẩm công nghệ rất Hot thời kỳ những năm 2000).
Lúc này, cuộc sống đủ đầy hơn, không những lo được cho bản thân và gia đình nhỏ, ông còn mua đất, xây nhà để đón bố mẹ và các em từ Daklak ra. Những tưởng cuộc sống sẽ cứ thế êm đềm trôi, nhưng rồi lại một lần nữa ông phải chọn thay đổi. Công việc kinh doanh dậm chân tại chỗ, ông loay hoay với việc tìm kiếm khách hàng mới, ông chật vật với những chiêu trò cạnh tranh của đối thủ, ông bất lực với sự rối rắm của đội ngũ nhân sự… Trong quá trình cứ làm rồi thất bại, làm rồi thất bại, là một người nhanh nhạy, ông lại tìm con đường mới giải quyết tất cả những vấn đề đó. Ông nhận ra rằng, mình bắt buộc phải lớn hơn những vấn đề của mình mới mong giải quyết tận gốc. Và ông chọn con đường học tập để khiến mình lớn hơn nữa, bởi sự lớn mạnh của trí tuệ mới là lựa chọn thông minh, tôi rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của ông “Kiến thức đến đâu thì tiền đến đó”. Ông quyết tâm giao lại hết công việc kinh doanh cho bã xã, một người phụ nữ đã bên cạnh ông, đồng cam cộng khổ với ông suốt bao năm qua để chuyên tâm học tập, nâng cấp bản thân. Có những lúc ông phải đi vay mượn để có tiền tham gia những khoá học đáng giá trăm triệu, vài trăm triệu thậm chí cả tỷ ở cả trong và ngoài nước. Thời gian đầu cũng vô cùng khó khăn, chật vật, nhưng bằng sự kiên trì, bằng ý chí vươn lên mạnh mẽ của mình, ông đã vượt qua tất cả, ông vừa học tập, vừa ứng dụng vào công việc kinh doanh của mình.
Khi tư duy đủ lớn, ông nhận ra một điều, nếu mình chỉ quẩn quanh ở cái doanh nghiệp nhỏ bé của mình thì mọi thứ rồi đến lúc nào đó sẽ lặp lại như cũ. Ông bắt đầu đóng gói lại những kiến thức mình đã học, những kinh nghiệm mình đã áp dụng thành công thành những công thức, những quy trình để giúp đỡ người khác, những người cũng đang loay hoay với khó khăn trong công việc kinh doanh giống như ông trước đây. Từ đó, ông giúp đỡ được rất nhiều người bứt phá, họ trở nên thành công hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn. Ông đón nhận sứ mệnh của một Nhà Đào tạo với tâm thái của một “Người Dám Cho Đi”, và từ đó, Trần Toản gắn liền với 4 chữ vàng này.
Hiện tại, ông là một trong những diễn giả hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực định hướng chiến lược kinh doanh, là một chuyên gia về Marketing, một Nhà Đào tạo xuất sắc, một Diễn giả truyền cảm hứng. Ông được hàng loạt các tập đoàn, công ty, hệ thống lớn mời đào tạo. Có thể kể đến như: Manulife, Bạch Linh – Bách Y Sâm, Kohinoor, Ngũ Hành Dưỡng Sinh, Humnile Group, Reborn, Saxy Lady, L.A.S Beauty, Magic Skin, Ngũ Cốc BeOne, Hera Heathy Vina, Herbalife, Nuskin, Hyeon Lab, Kolanbis, Ebico, …. Vv. Ông đam mê chia sẻ, chia sẻ và chia sẻ với hàng loạt các chương trình đào tạo trực tiếp nổi tiếng như: Kinh Doanh Spa thành công, Facebook Marketing Automation, Master Sales, Become The Leader, Trainer camp…. Ông cũng xây dựng nên các chương trình đào tạo online với hàng ngàn người tham dự như: Marketing online, Vua tuyển sỉ, Bậc thầy livestream, Xây dựng thương hiệu cá nhân, Mật mã ngày sinh, Xây dựng đội nhóm vô địch…vv. Ông cũng từng tham dự các chương trình của VTV2, VOV với vai trò khách mời, chuyên gia. Nhiều người khác lại biết đến ông với vai trò là Nhà sáng lập và CEO của Phoenixcamp Academy, là Giảng viên marketing của trường Cao Đẳng Hùng Vương, hay là Phó Ban Kinh Tế tờ Thời Báo Việt, là Cố vấn cấp cao của CLB Doanh Nhân Spa, hoặc là tác giả của các cuốn sách làm thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống, thay đổi công việc kinh doanh của hàng ngàn người, cuốn Kinh Doanh Thực Chiến và cuốn Lập Trình Thành Công… Không những thế, ông tạo ra một cộng đồng doanh nhân thân thiện, yêu thương, luôn hướng tâm làm thiện. Bản thân ông cũng như cộng đồng của ông đã thực hiện hàng trăm buổi từ thiện, trao quà, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em không nơi nương tựa, người già neo đơn, đúc chuông, tạc tượng, xây chùa…
Dù với vai trò nào, ông cũng đều xuất sắc thể hiện được vai trò của một “Người Dám Cho Đi”. Cuối buổi gặp gỡ, chúng tôi chào ông ra về với sự yêu mến, ngưỡng mộ thực sự từ tận đáy lòng. Ông tươi cười chào tạm biệt chúng tôi với câu nói “Đời người hơn nhau bởi chữ Dám”. Đúng vậy, cuộc đời ông, quá trình ông vươn lên thành công trong sự nghiệp, sứ mệnh ông dám gánh vác trên vai đủ để chứng minh câu nói này. Mong rằng chúng tôi sẽ còn được gặp lại ông để được viết thêm về ông nhiều hơn nữa.
- Hành trình từ Zero to Hero của Nhà Đào Tạo “Chạm tay hoá Vàng” – Trần Toản.
- ChatGPT thực sự là gì: Giải thích dễ hiểu cho người không biết công nghệ
- Lựa chọn hay nỗ lực? Cái nào quan trọng hơn?
- Câu thức AIDA chi tiết từ A-Z – Trùm của trùm các loại công thức về Content marketing
- 6 nguyên tắc tư duy của người thành công